Sáng 7-2 tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra Hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên” do Ban kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Tỉnh ủy-UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì. Tham dự hội thảo có đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Trưởng Bộ Công an; đại biểu một số bộ, ngành Trung ương, các tỉnh Tây Nguyên; các nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp.
![]() |
Đại tướng Trần Đại Quang cùng các đại biểu dự Hội thảo. |
Cây mắc ca (Macadamia) là loại cây thân gỗ, có xuất xứ từ nước Úc, cây mắc ca trồng từ hạt sau 7-8 năm sẽ cho trái. Hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao, có thể ăn tươi hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm như bánh kẹo, dầu ăn, mỹ phẩm. Hiện nay, nhu cầu sử dụng hạt mắc ca trên thế giới rất lớn và giá thành của loại sản phẩm này khá đắt. Theo tính toán của các nhà khoa học, trồng mắc ca có thể đem lại lợi nhuận cao gấp 2 lần so với trồng chè, gấp 3 lần so với cây cà phê. Khu vực Tây Nguyên được đánh giá là có điều kiện sinh thái phù hợp để mắc ca sinh trưởng và cho thu hoạch.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận cơ sở và điều kiện để xây dựng cây mắc ca thành loại cây công nghiệp chiến lược mới tại Tây Nguyên; quy hoạch phát triển bền vững, mô hình đầu tư, chuỗi giá trị và thị trường cho các sản phẩm mắc ca; lắng nghe kinh nghiệm của các doanh nghiệp, hộ nông dân trồng mắc ca tại các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đắc Nông thời gian qua.
Phát biểu tại hội thảo, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: “Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng đề xuất với Chính phủ bổ sung cây mắc ca là cây công nghiệp chiến lược mới. Đề nghị các bộ, ngành có liên quan sớm xây dựng chương trình quốc gia về phát triển cây mắc ca; ban hành chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ sản xuất và chế biến sản phẩm; xây dựng chính sách ưu đãi về tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ trong chọn giống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cần xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện việc phát triển cây mắc ca bảo đảm thiết thực, hiệu quả nhằm đưa cây mắc ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống đồng bào khu vực Tây Nguyên”.
Tin, ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG