Tháng 5 vừa qua, một đoàn famtrip gồm 6 nhà báo và 6 đại diện doanh nghiệp du lịch từ Indonesia đi cùng Bí thư thứ nhất Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Indonesia – ông Trương Xuân Trung đã đến Đà Lạt để tìm hiểu môi trường du lịch và các sản phẩm du lịch đặc trưng của Đà Lạt – Lâm Đồng. Chuyến đi của họ đã mở ra một triển vọng mới cho du lịch Lâm Đồng về một thị trường khách du lịch khá đặc biệt – quốc đảo Indonesia với đa số người Hồi giáo sinh sống.

dondaukhachindonesia

Bếp trưởng Nguyễn Thành Linh chuẩn bị bữa ăn cho đoàn khách Hồi giáo

Khơi nguồn thông thương du lịch

ĐSQ Việt Nam tại Indonesia cũng như các đại sứ quán Việt Nam khác, là cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. ĐSQ có nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ hai nước trong tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, du lịch, đầu tư, quốc phòng, an ninh… ĐSQ Việt Nam tại Indonesia đang đẩy mạnh xúc tiến quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước. Tại Indonesia, vào tháng 9/2014, ĐSQ Việt Nam đã tổ chức một hội thảo về hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa Việt Nam và Indonesia. Trong đó, 10 doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam đã được mời sang Indonesia và cùng trao đổi thông tin du lịch với hơn 50 doanh nghiệp lữ hành của Indonesia tham dự hội thảo. Sau hội thảo, doanh nghiệp 2 nước đánh giá về tiềm năng, cơ hội trong lĩnh vực du lịch của hai nước rất lớn, nhưng hoạt động thực tế hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của hai bên. Thông qua hội thảo là cơ hội tương đối tốt để hai bên tìm đến nhau để cùng hợp tác và phát triển trong lĩnh vực du lịch của hai nước.

Có một thực tế là thông tin giữa hai nước rất thiếu. Chẳng hạn, người dân Indonesia nói về Việt Nam chỉ biết đến thời chiến tranh ngày xưa; còn người Việt Nam chỉ biết mỗi thủ đô Jakarta của Indonesia hay đảo Bali – điểm đến du lịch nổi tiếng của quốc đảo này, còn những nơi khác thì rất hạn chế. Vì vậy, việc mời các doanh nghiệp du lịch Indonesia tham dự famtrip để tham quan, khảo sát thị trường, kiểm tra cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch của Việt Nam, từ đó tổ chức các tour từ Indonesia sang Việt Nam; còn các nhà báo sẽ giúp quảng bá thông tin, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến người dân Indonesia… Tháng 12/2014, Tổng cục Du lịch đã mời một đoàn famtrip và presstrip gồm 12 đại diện các doanh nghiệp lữ hành, du lịch và cơ quan truyền thông Indonesia sang Việt Nam. Đoàn được tổ chức đi thăm Hạ Long, Ninh Bình và Hà Nội và đã đánh giá rất cao tiềm năng du lịch của Việt Nam. Qua đó, Tổng cục Du lịch đánh giá Indonesia là một thị trường rất tiềm năng trong thu hút khách du lịch đến Việt Nam.

Hiện nay, dân số Indonesia có khoảng 250 triệu dân với mức GDP/người khoảng 5 ngàn USD/năm là tương đối cao trong khu vực Đông Nam Á . Một lợi thế nữa là khoảng cách địa lý giữa Indonesia và Việt Nam rất gần, bởi trong năm 2012, Vietnamairlines đã mở đường bay trực tiếp từ Jakarta về TP HCM, đang duy trì được mỗi tuần một chuyến, tạo điều kiện cho doanh nhân các doanh nghiệp và du khách đi lại thuận tiện, giúp thương mại song phương tăng trưởng vượt mục tiêu hai nước đặt ra là 5,4 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều với kế hoạch là 5 tỷ USD trước năm 2015. Nhận thấy cần thúc đẩy thị trường khách du lịch Indonesia, nên trung tuần tháng 5/2015, Tổng cục Du lịch đã mời thêm một đoàn famtrip nữa với thành phần là đại diện các doanh nghiệp lữ hành lớn và 6 nhà báo của 2 tờ báo tiếng Anh và 2 hãng truyền hình quốc gia Indonesia đến Việt Nam tham gia tour du lịch trải nghiệm tại 5 tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Đà Lạt.

Ẩm thực đạo Hồi và lợi thế của Đà Lạt

Về ẩm thực, người Indonesia ăn uống có phần khác với người Việt Nam vì họ phần đông theo đạo Hồi, nên họ không ăn thịt heo và rất quan tâm đến chứng nhận thực phẩm Halal. Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc cho phép. Chứng nhận thực phẩm Halal sử dụng những điều khoản liên quan đến sản phẩm thực phẩm và đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân, thực phẩm chức năng. Là chứng chỉ xác nhận sản phẩm không có các chất cấm theo Luật Hồi giáo, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thực phẩm, bảo đảm được sự tinh khiết trong quá trình sản xuất. Ngay cả quy trình chế biến thức ăn cũng phải tuân theo tín ngưỡng đạo Hồi, như thời điểm giết mổ, loại dao sử dụng, hướng đặt gia súc, gia cầm, hướng đứng của người chế biến…

Chứng nhận Halal là chìa khóa mở cửa vào thị trường các quốc gia Hồi giáo và các nước có người Hồi giáo. Chứng nhận Halal do cơ quan thực phẩm của Indonesia và Malaysia cấp. Nhưng Chính phủ Indonesia chỉ công nhận giấy chứng nhận tiêu chuẩn thực phẩm Halal Indonesia. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể được nhận giấy Chứng nhận Halal bằng cách liên hệ với các tổ chức ở Indonesia xin được cấp giấy chứng nhận Halal cho các loại thực phẩm, đồ uống… Điều quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam làm du lịch, dịch vụ khi phục vụ khách đến từ Indonesia nói riêng và khách theo đạo Hồi nói chung là cố gắng sử dụng nguồn thực phẩm sạch, đạt chứng nhận Halal và không phục vụ bất kể sản phẩm gì liên quan đến thịt heo. Quan niệm của người Hồi giáo từ xa xưa cho rằng, heo là con vật bẩn thỉu – ăn bẩn, ở bẩn nên thịt heo rất độc hại… Vì vậy, các sản phẩm từ thịt heo là điều cấm kỵ với người theo đạo Hồi. Họ chủ yếu ăn thịt bò và thịt gà.

Chính vì vậy, Khu nghỉ dưỡng cao cấp Terracotta đã chọn phục vụ hải sản và rau củ Đà Lạt cho bữa ăn của đoàn famtrip Indonesia. Lý giải điều này, ông Nguyễn Thành Linh – Bếp trưởng Terracotta resort cho biết: Sử dụng hải sản để tránh một cách hoàn hảo các quy định của đạo Hồi. Kết hợp với rau củ Đà Lạt vừa bảo đảm độ tươi ngon vừa thể hiện được lợi thế đặc trưng trong ẩm thực của Đà Lạt. Chúng tôi kết hợp hải sản là tôm, mực, cá hồi… với 7 loại rau củ chính cộng thêm rau gia vị của Đà Lạt, như: cà rốt, khoai tây, su su, đậu côve, atisô, súlơ, đậu Hà Lan, ớt, húng… Sử dụng thịt bò để xào nấu rau củ rất ngon, nhưng thịt bò dùng cho người theo đạo Hồi phải đóng dấu Halal, vì người ta có thể yêu cầu xem chứng nhận trước khi dùng thức ăn.

Thực khách Indonesia đã rất thoải mái và hứng thú với bữa ăn tại Khu nghỉ dưỡng Terracotta ấm cúng và thân thiện. Cảm nhận của các thành viên đoàn famtrip trong suốt chuyến đi đến Việt Nam là môi trường du lịch của Việt Nam tương đối tốt, các điểm đến du lịch được họ đánh giá cao, chi phí từ ăn ở đến dịch vụ khá hợp lý và có phần thấp hơn so với ở Indonesia. Đặc biệt, phía bạn đánh giá nông sản Việt Nam chất lượng rất tốt, giá cả rẻ; so sánh tại thị trường Indonesia có sản phẩm đắt đến 6-7 lần… Vì vậy người Indonesia đang có xu hướng thích sang Việt Nam vừa để đi du lịch vừa để mua hàng, bất kể là quà lưu niệm hay hàng tiêu dùng, quần áo, thức uống – trừ rượu. Cũng có một quy định khác của đạo Hồi là hằng ngày, người ta phải cầu nguyện 5 lần! Nên, nếu chúng ta muốn khai thác khách du lịch Hồi giáo và muốn phát triển thị trường khách du lịch này thì cố gắng sắp xếp một phòng cầu nguyện – dù chỉ là một phòng nhỏ, nhưng thể hiện được sự quan tâm và sẽ tạo được ưu thế trong đón tiếp khách du lịch Hồi giáo./.