QĐND – Với những giá trị nổi bật về kiến trúc và lịch sử, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xếp hạng Di tích kiến trúc quốc gia. Tuy nhiên, công trình này hiện đang bị xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng.
Di tích thành khu tập thể
Buổi sáng tại Khu giảng đường C của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, trong khi các sinh viên đang làm bài thi kết thúc học phần tại tầng 1 thì trên hành lang ban công tầng 2, một số người vẫn quần đùi, áo ba lỗ vô tư đi lại, hút thuốc, trò chuyện. Cạnh đó là dãy quần áo phơi kín ban công, thỉnh thoảng những dòng nước thải chảy rào rào trên mái hiên, trước cửa phòng học. Thầy Phạm Ngọc Bút, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ nhà trường ngao ngán: “Cảnh tượng này đã tồn tại hàng chục năm nay, không chỉ gây phản cảm mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới việc giảng dạy, học tập của thầy và trò nhà trường”.
Tầng 2 khu giảng đường B hiện là nơi ở của 7 hộ dân.
Trải qua thời gian dài không được tu bổ, cùng với một số hạng mục bị sử dụng sai mục đích, công trình đã bị biến dạng, xuống cấp. Hầu hết các khối nhà đều có những “triệu chứng” như: Mái ngói bị mục, vỡ; tường và sàn nhà bị thấm, nứt; nhiều xà, kèo, li-tô bằng gỗ qua gần một thế kỷ sử dụng bị mối mọt, mục gãy; hệ thống điện, nước, công trình vệ sinh cũng hư hỏng nhiều. Anh Thuyết, nhân viên hành chính nhà trường cho biết, một số phòng, mỗi khi trời mưa là nước tràn vào lênh láng.Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt tọa lạc tại số 29 Yersin, TP Đà Lạt, có tổng diện tích hơn 8ha. Trước năm 1975, đây là Trường Trung học Lycée Yersin. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 1927, khánh thành và đưa vào sử dụng năm 1933, do kỹ sư người Pháp Moncet thiết kế, bao gồm các hạng mục chính: Nhà văn phòng, hệ thống giảng đường, 4 biệt thự công vụ, khu ký túc xá, nhà ăn, cổng, hàng rào, sân vận động. Điểm nhấn của công trình là dãy nhà hình vòng cung 3 tầng, cộng 1 tầng áp mái, dài gần 90m, mái lợp ngói đá màu xanh đen, mặt tiền được ốp gạch trần đỏ, một đầu hồi của tòa nhà là tháp chuông cao 54m, được Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong 1000 công trình xây dựng độc đáo của thế kỷ 20. Ngày 19-4-1946, tại đây đã diễn ra phiên họp của Hội nghị sơ bộ Pháp-Việt. Năm 2001, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích kiến trúc quốc gia.
Dù là cơ sở đào tạo nhưng Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt lại giống một khu tập thể. Bằng chứng là hiện nay vẫn còn 57 hộ dân sống trong khuôn viên nhà trường. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây trong thời kỳ bao cấp, do đời sống của cán bộ, nhân viên khó khăn, nhu cầu sử dụng các công trình ít, lãnh đạo nhà trường đã đồng ý (bằng văn bản) để một số gia đình cán bộ, nhân viên sống trong các biệt thự công vụ, giảng đường, nhà tập thể. Trải qua hằng chục năm, nhiều cán bộ, nhân viên dù đã về hưu, chuyển công tác nhưng vẫn không chịu trả lại nhà. Trong quá trình sinh sống, nhiều hộ còn cơi nới, cải tạo, lấn chiếm, khiến cho các công trình bị biến dạng, cảnh quan nhà trường trở nên nhếch nhác. Lý giải về thực trạng này, ông Tạ Quang Vũ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do những quy định trong văn bản trước đây không rõ ràng nên việc thu hồi gặp nhiều khó khăn. Các hộ chỉ đồng ý chuyển đi khi được hỗ trợ tái định cư, nhưng điều này vượt quá khả năng của nhà trường”.
Khổ vì dự án treo
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, năm 2009, Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng đã trình Bộ VH-TT&DL dự án tu bổ, tôn tạo Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, dự án này đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Ngày 7-6-2013, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt có Tờ trình số 177/CĐSP-HCTH gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc xin kinh phí hỗ trợ di dời, giải tỏa các hộ dân trong khuôn viên của nhà trường với tổng kinh phí khoảng 2,9 tỷ đồng. Ngay sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản đồng ý và giao cho Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan xem xét, giải quyết nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả.
Tầng 2 khu giảng đường B hiện là nơi ở của 7 hộ dân.
Sốt ruột trước tình trạng xuống cấp của công trình, thời gian qua, lãnh đạo nhà trường đã gửi nhiều công văn tới cơ quan chức năng đề nghị sớm triển khai các dự án. Qua tuyên truyền, vận động, hầu hết các hộ dân cũng đã nhất trí với phương án di dời nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì các dự án vẫn đang bị “treo”.Mùa mưa năm 2014, do một số hạng mục công trình bị hư hỏng nặng, không thể tiếp tục sử dụng, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ban hành quyết định phê duyệt tu sửa cấp thiết đối với Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Theo quyết định, Hội trường B của trường sẽ được hạ giải và lợp lại toàn bộ ngói; thay thế cầu phong, li-tô bị mục, gãy; chống thấm sê-nô, mái; sơn tường, thay cửa kính… với tổng kinh phí 487,8 triệu đồng. “Đáng lẽ dự án được triển khai trong năm nay, chúng tôi cũng đã làm việc với nhà thầu hoàn tất mọi công tác chuẩn bị. Vậy mà đến nay, kinh phí vẫn chưa được cấp xuống.”- Ông Tạ Quang Vũ chia sẻ.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG