Họ bán hàng thách giá rất cao, với tiêu chí “một vốn bốn lời mới bán”. Cho nên bạn nào mua hàng không biết trả giá thì bị “chém đẹp” là chuyện thường.

 

Thời gian qua, tôi thấy nhiều người lên TP Đà Lạt du lịch, mua đồ hay ăn uống thì bị các cửa hàng, quán ăn chặt chém. Nhân đây, tôi muốn chia sẻ với các bạn những cách ứng phó với vấn nạn này ở Đà Lạt.

Thứ nhất: Vụ mua “Áo len giá 300.000 đồng bị hét giá 1,7 triệu”, thú thật là tôi cũng đã gặp nhiều. Những quán hét giá này ở trên Đà Lạt là không phải là ít, vì thế các bạn đi du lịch lên đây cách tốt nhất nên chuẩn bị sẵn áo lạnh. Nếu bạn nào quên không mang theo hoặc muốn mua thì nên đến các cửa hàng bán quần áo của người dân ven các tuyến phố.

Tôi khuyên các bạn cẩn thận khi mua áo lạnh ở chợ Đà Lạt. Vì ở đây, họ bán hàng thách giá rất cao, với tiêu chí “1 vốn 4 lời mới bán”. Cho nên bạn nào mua hàng ở đây thì phải biết trả giá, không là bị “chém đẹp” là chuyện thường.

Thứ hai: Vụ “2 người ăn cơm bình dân Đà Lạt hết 880.000 đồng” ở trên đường Nguyễn Chí Thanh thì tôi khuyên các bạn đi du lịch nên hỏi giá trước khi ăn. Các bạn có thể đến khu vực Ngã 5 đại học hoặc, cổng sau Đại học Đà Lạt, ở đó tôi tin các bạn sẽ ăn uống ngon miệng và không bị chặt chém, giá cả hợp lý.

Còn bác nào có nhiều tiền thì nên ăn ở các nhà hàng có giá niêm yết rõ ràng. Như thế, các bạn vừa ăn ngon, no mà không mất tiền oan.

Thứ ba: Vấn đề du lịch vườn ở Đà Lạt thì tôi khuyên các bạn nên chọn những nơi ở xa khu vực trung tâm thành phố. Vì theo tôi biết, ở những nơi đó người dân rất hiền lành và chất phát, có khi các bạn còn được chụp ảnh và thăm vườn miễn phí nữa. Còn ở khu vực trung tâm thì họ mở vườn kinh doanh chính, nên họ cư xử với khách đôi khi theo kiểu rất là “con buôn”.

Đó là những gì mà tôi đã kiểm chứng bằng những chuyến đi du lịch nhiều lần trên Đà Lạt muốn chia sẻ cho các bạn. Nếu bạn nào có cách tốt hơn để đối phó với nạn “chặt chém” khách du lịch thì góp ý thêm. Vì sắp đến Festival hoa Đà Lạt 2013 rồi, khách du lịch trong và ngoài nước sẽ đổ về rất nhiều.